Trẻ nhỏ chẳng khác nào một tờ giấy trắng, việc chúng trở thành người tốt hay kẻ xấu 90% phụ thuộc vào cách dạy dỗ ban đầu của cha mẹ và môi trường xung quanh tác động tới. Vì thế, cần phải hiểu rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu và trẻ nhỏ chính là đối tượng đầu tiên cần được tiếp thu những tinh tuý ngay từ thủa mới lọt lòng, để khi đến tuổi trưởng thành uốn nắn trẻ được dễ dàng nhất, tránh được những hậu quả đáng khôn lường đang diễn ra phổ biến hiện nay như trộm cắp, cướp giật, nghiện ma túy, nghiện game …
5 điều không thể không thực hiện cho trẻ ngay từ thủa ấu thơ nếu bạn muốn con mình trở thành những đứa trẻ tiếp thu nhanh, thông minh, kỷ luật và biết chia sẻ
Tạo tính kỷ luật cho trẻ ngay từ nhỏ
Trẻ có được tính kỷ luật ngay từ thủa nhỏ hay không phần lớn do sự rèn giũa của người thân mà ra.
Chẳng hạn bạn cho trẻ thoải mái tự do ăn uống, 1 ngày có đến 10 bữa ăn nhưng mỗi bữa ăn diễn ra phải tới hơn 30 phút và để trẻ thoải mái với việc ăn ngậm, ăn rong .. thì chẳng mấy chốc bạn tự làm khổ chính mình và làm hại chính con của mình mà thôi.
Không phải bỗng dưng giáo dục Nhật Bản , Hàn Quốc lại được nhiều quốc gia chú ý và áp dụng nhiều đến vậy, đó là bởi tính kỷ cương được đưa vào trường lớp cho trẻ ngay từ khi còn là mẫu giáo.
Việc trẻ mỗi buổi đến lớp mang theo rất nhiều túi xách mà không cần tới sự trợ giúp của bất cứ người lớn nào đã giúp trẻ tạo lập được đức tính tự giác ngay từ thủa nhỏ. Trong bữa ăn trẻ cũng phải tự ăn uống và chỉ ăn trong đúng khoảng thời gian đã quy định của nhà trường; kết thúc bữa ăn trẻ phải tự thu dọn chỗ ngồi của mình, tự thu dọn nhà vệ sinh , tự làm tất cả .. khiến tính kỷ luật tại đất nước Nhật Bản hay Hàn Quốc được nhiều quốc gia áp dụng và được đánh giá là phương pháp giáo dục trẻ nhỏ hữu hiệu nhất và cần phải có ngay từ khi trẻ mới chỉ 1, 2 tuổi.
Nói không với người lạ
Trẻ bị bắt cóc đang là tình trạng đáng báo động tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, khi mà người lớn quá thờ ơ trong công cuộc dạy dỗ cho trẻ cách phân biệt người tốt – kẻ xấu, cách giúp trẻ phản kháng ngay khi cần thiết, chỉ tới khi mọi việc đi quá xa tầm kiểm soát thì phụ huynh mới nhận ra nhưng dường như tất cả đã quá muộn.
Sẽ chẳng thể nào theo sát trẻ 24h/1 ngày nên cha mẹ cần phải áp dụng cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non ngay từ thủa nhỏ, để trẻ biết cách phòng trách người xấu và nói không với người lạ mỗi khi không có cha mẹ kề bên; đặc biệt đối với trẻ nữ cha mẹ càng cần phải quan tâm từ sớm và sát sao hơn nếu không muốn con cái của mình bị kẻ xấu lợi dụng.
Biết nói cảm ơn, xin lỗi khi cần
Có thể chúng ta thấy câu nói cảm ơn, xin lỗi chẳng quá cần thiết nhưng đối với trẻ nhỏ, đối với xã hội hiện đại ngày nay bạn cần phải giáo dục trẻ và hường trẻ cách nhận ra được những sai lầm để trưởng thành hơn nữa.
Trong giáo dục kỹ năng sống, trẻ cần phải biết mình đã làm sai điều gì để khắc phục nhằm tránh tình trạng “ngựa quen đường cũ”. Một câu cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác hay một câu xin lỗi khi làm sai, làm ảnh hưởng tới người khác giúp trẻ nhận thức được ngay từ nhỏ việc biết cho đi, biết hoà đồng để tạo mối quan hệ vững chãi trong cộng đồng.
Dạy trẻ tính tự lập
“Trẻ nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình ..” – Hồ Chủ Tịch đã từng có câu nói nhắc nhở tới thế hệ mầm non tương lai của đất nước với mong muốn tương lai trẻ sẽ làm được những việc phi thường giúp ích cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Chính vì thế, ngay từ thủa nhỏ bạn cần để trẻ tự làm những việc nhỏ nhất như sắp xếp đồ chơi gọn gàng sau khi chơi xong, thu dọn rác trong phòng, tự gấp quần áo .. khiến trẻ ý thức được những việc trẻ cần phải làm và hoàn toàn chủ động trong mọi trường hợp.
Nhiều gia đình vẫn giữ thói quen bao bọc con quá lâu, tự làm mọi việc giúp trẻ .. vô tình cha mẹ tự đưa con vào thế bị động, để rồi tương lai trẻ sẽ bị những thói quen xưa cũ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển, trí thông minh của trẻ và khi người lớn áp dụng những phương pháp giáo dục kỹ năng sống dường như đã thành quá muộn đối với trẻ trong độ tuổi trưởng thành
Năng đọc sách, hạn chế tiếp xúc điện thoại
Tình trạng trẻ em từ vài tháng tuổi đã khóc lóc đòi cha mẹ phải cho xem điện thoại mới chịu ăn uống hay làm bất cứ việc gì khác không còn quá xa lạ trong xã hội hiện nay, đó có thể do lỗi của cha mẹ hoặc lỗi của ông bà, của người giúp việc .. khi muốn con cái mình làm theo ý của mình và nhanh nhanh chóng chóng để làm được việc khác, vô tình người lớn đã tạo những tính hư cho trẻ ngay từ thủa nhỏ.
Nếu trẻ được tiếp xúc cùng sách vở ngay từ nhỏ trẻ sẽ sản sinh ra nhiều khả năng tư duy, trí thông minh được hình thành sớm hơn nhưng nếu trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại sẽ chỉ hạn chế khả năng sáng tạo ở trẻ, kìm hãm và dần dẫn tới việc trẻ bị thụ động nhiều hơn mà thôi.
Ngay từ khi người mẹ còn đang mang thai, hãy giữ thói quen mỗi ngày cho mình đọc những cuốn sách có lợi để trẻ được cảm thụ ngay từ trong bào thai. Tới khi trẻ chào đời cũng đừng từ bỏ những thói quen có lợi đó để sau 6 tháng tuổi trẻ dễ dàng tạo thói quen đọc sách của cha mẹ dành cho chúng là những thói quen bất di bất dịch, và việc chúng in sâu vào tiềm thức ngay từ thủa nhỏ sẽ giúp trẻ dễ sản sinh ra nhiều tư duy hơn nữa.
Trong quá trình dạy dỗ trẻ bạn cũng cần hạn chế tiếp xúc cùng các thiết bị công nghệ tiên tiến như điện thoại, laptop, ipad .. khi có trẻ ở bên nhằm tránh việc trẻ nhìn thấy cha mẹ chúng vẫn thường xuyên sử dụng công nghệ mà lại ngăn cấm chúng, khiến trẻ càng kích thích sự tò mò để rồi sản sinh ra nhiều mối quan tâm đáng lo ngại.
Dạy con chính là một cuộc chiến mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng cần phải nghiêm khắc với chính mình để có thể dạy dỗ con được tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình dạy dỗ trẻ nhỏ bạn không nên tạo cho trẻ quá nhiều áp lực khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi hơn là được tiếp thu.
Hãy dạy dỗ và đồng hành cùng trẻ như những người bạn, đừng biến trẻ thành những đứa trẻ hư chỉ vì sự kỳ vọng quá lớn ở bạn dành cho chúng nhé!