CEO The Coffee House: Quán cafe nên là nơi khách hàng cảm thấy thân thuộc.

0
1218

“Việt Nam là đất nước lạ lắm. Khi bạn nói “Ê, cuối tuần đi cà phê không”, thì không phải rủ rê đến một nơi để uống một thứ chất lỏng màu đen, mà hoàn toàn là kiếm nơi cuối tuần trò chuyện, kiếm một không gian riêng tư, một nơi bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn, kiếm một nơi mà bạn thuộc về…”, Nguyễn Hải Ninh – Founder kiêm Giám đốc điều hành của chuỗi cà phê The Coffee House chia sẻ.

Trong kinh doanh bán lẻ nói chung và F&B (Food and Beverage Service – Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) nói riêng, ai cũng cho rằng 3 yếu tố quan trọng nhất là Địa điểm, địa điểm và địa điểm. Nhưng vẫn có những quán cà phê đôi khi rất cũ kĩ, không gian xấu, đôi khi nằm trên gác, ngõ hẻm, nhưng vì trở thành thói quen trong cuộc sống, tự khắc người ta sẽ sang ngồi.

“Sản phẩm đôi khi là cà phê rất bình thường, nhưng thành thói quen, nơi chốn để mình thuộc về nơi này, thì người ta sẽ ghé”, Founder kiêm CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.

“Việt Nam là đất nước lạ lắm. Khi bạn nói “Ê, cuối tuần đi cà phê không”, thì không phải rủ rê đến một nơi để uống một thứ chất lỏng màu đen, mà hoàn toàn là kiếm nơi cuối tuần trò chuyện, kiếm một không gian riêng tư, một nơi bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn, kiếm một nơi mà bạn thuộc về…”

F&B là một ngành kinh doanh, mà nói một cách đơn giản là khách hàng yêu bạn họ mới giới thiệu với bạn bè, mới trở lại ghé thăm bạn.

Nhà sáng lập The Coffee House cho rằng để thành công trong ngành F&B, các mô hình đều cần yếu tố Localization (tính địa phương).

“Tôi cho rằng quán cà phê không tồn tại được nếu tách rời khỏi cộng đồng xung quanh. Nó phải là một phần của cộng đồng. Nó nên gần nhà bạn, để sáng trước khi đi làm tiện đường ghé qua mua một cốc mang đi, thứ Bảy hay Chủ nhật nhiều thời gian thì dẫn gia đình, bạn bè, vợ con đến ngồi tự do một buổi sáng cuối tuần…”

“Nó là nơi buổi sáng có thể ngồi tiếp khách, buổi tối có thể ghé đọc sách, làm việc. Một quán kinh doanh cà phê phải là một phần của cộng đồng xung quanh”, Hải Ninh nhìn nhận.

Hải Ninh cũng gửi lời khuyên tới các bạn trẻ khi kinh doanh quán cà phê rằng phải luôn luôn đau đáu một việc: Làm sao để khách hàng lần đầu tiên bước vô cửa hàng phải thấy họ thuộc về không gian này, thuộc về nơi này. Chứ không phải xây một quán sang chảnh quá, và khách đến thấy mình thuộc về thứ khác. Cái cảm giác đẹp hay không, không quan trọng bằng cái cảm giác mình thuộc về nơi này.

Tại The Coffee House, tính localization thể hiện ở chỗ không cửa hàng The Coffee House nào giống cửa hàng nào 100%.

“The Coffee House Hai Bà Trưng chúng tôi đặt trong một biệt thự khá cổ, và chúng tôi không lựa chọn đập hết đi xây lại. Nhà cổ có giá trị văn hóa, cần tôn trọng và làm cho nó đẹp hơn. Thậm chí những gì người chủ cũ đã đập chúng tôi còn tái hiện lại, để làm sao khi khách hàng bước vào thấy không gian cà phê này không phải là thứ gì dị hợm, tách ra khỏi khu dân cư, mà là nơi họ thuộc về trong thói quen của mình”.

“Phải như vậy thì business của mình mới sống lâu được 5 năm, 10 năm, hay 20 năm. Chứ giờ xây một quán cà phê -10 độ C, nhiều băng, người ta ghé được 1 – 2 lần rồi sao, người ta đâu ghé lần 3, lần 4 làm gì? Một quán cà phê ở Hà Nội sẽ không có một ông nào ở Hưng Yên lên chỉ để uống một cốc cà phê? Chúng ta bán cho những người sống xung quanh và làm việc gần quán thì khoanh vùng khách hàng mục tiêu khoảng 200 – 300 mét là cùng. Đấy là lý do kinh doanh cà phê phải có tính localization”, Ninh nói.

Nhà sáng lập The Coffee House cũng quan niệm, không chỉ kinh doanh F&B, mà tất cả lĩnh vực kinh doanh đều sinh ra để giải quyết nhu cầu nào đó cho con người, đều trả lời cho câu hỏi: “Làm sản phẩm này ra có khiến cuộc sống người ta dễ dàng hơn hay không”.

“Tôi chưa biết làm gì nhưng tôi thích làm việc với con người, thích mang lại hạnh phúc cho người khác. Cách mình mang lại hạnh phúc cho người khác là tạo ra những không gian đẹp, nơi mọi người bước vào họ cảm thấy thuộc về nơi này. Rồi làm sao để nhân viên nhớ tên khách hàng, đối xử với khách như bạn bè thân thiết. Để khi khách bước vô nhân viên có thể hỏi: “Hôm nay anh có uống như hôm qua? Hôm nay tụi em có món này mới nè, anh có muốn thử không?”.

“Cách mình làm là tìm ở Việt Nam nơi nào có hạt cà phê ngon nhất tìm cách mua về cho quán cà phê mình. Khi làm những việc đấy tự dưng khách hàng sẽ đến quán các bạn. Việc ấy tốt hơn kéo khách đến quán với việc show quán -10 độ C”, Ninh bày tỏ.

Sản phẩm của một mô hình kinh doanh F&B, theo Hải Ninh, với PizzaHome không phải là cái bánh Pizza, hay với Vuvuzela không chỉ ở cốc bia, mà là toàn bộ trải nghiệm của khách hàng trong cửa hàng của các bạn. Trải nghiệm đó có thể đến từ không gian nội thất, sản phẩm, dịch vụ…

“Và khi nào các bạn thấy mình làm sản phẩm với toàn bộ trái tim, toàn bộ tâm thế mong muốn làm cho khách hàng hạnh phúc, cho cuộc sống tốt hơn, thì mình nghĩ lúc ấy các bạn kinh doanh kiểu gì cũng thành công, không cần marketing”, Founder chuỗi The Coffee House bày tỏ.

Theo Khoinghieptre.vn

Chao

Admin 2Cafe
Chào mừng bạn đến với 2Cafe - Chúng tôi cung cấp thông tin tin tức tổng hợp về thời trang, làm đẹp, ẩm thực, đời sống, du lịch, giải trí, thể thao... Đội ngũ biên tập viên của 2Cafe luôn nỗ lực mang đến nội dung có giá trị nhất gửi tới quý bạn đọc.