Nhượng quyền thương hiệu giờ đây không còn là khái niệm mang tính thuật ngữ chuyên ngành mà thực sự trở thành một phương thức kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%.
Nhượng quyền thương hiệu: Khởi nghiệp không sợ rủi ro
Nhượng quyền thương hiệu phát triển mạnh tại Việt Nam dựa trên 2 yếu tố cơ bản là chi phí đầu tư thấp và mức độ rủi ro không cao. Với tiềm năng từ thị trường lớn: dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng tăng và trình độ dân trí ngày một cao là điều kiện tiền đề giúp doanh nghiệp Việt đầu tư trong việc nhượng quyền.
Mặt khác, việc mua lại bản sao hệ thống kinh doanh, quản trị và điều hành đã được thử nghiệm thành công của thương hiệu nhượng quyền sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế thấp nhất mức rủi ro khi kinh doanh. Đối với doanh nghiệp sở hữu thương hiệu, để thuyết phục được nhà đầu tư, họ phải bỏ vốn ban đầu để xây dựng nền tảng, kế hoạch kinh doanh, chuẩn hoá quy trình và sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ nhà đầu tư trước khi nhượng quyền.
Phát triển mạnh nhờ thị trường bán lẻ
Sau khi gia nhập WTO (tháng 1/2007), Việt Nam đã kí kết 10 hiệp định thương mại tự do FTA (trong đó có TPP, AFTA…) và đang xúc tiến đàm phán các FTA khác, thị trường nội địa ngày càng trở nên sôi động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều thương hiệu quốc tế đã có mặt tại Việt Nam như KFC, Circle K, Burger King, Starbucks, McDonald’s…
Theo website của Bộ Công thương, tính đến tháng 7/2016 đã có 148 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công tại Việt Nam. Nắm bắt xu hướng, các doanh nghiệp Việt cũng bắt đầu chuyển hướng sang hình thức kinh doanh nhượng quyền.
Tại Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp nội địa đã nhượng quyền thành công, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thực phẩm như: chuỗi cửa hàng Cà phê Trung Nguyên (hơn 1.200 cửa hàng, tính đến 2016), cà phê Cộng (25 cửa hàng), Phở 24 (38 cửa hàng); lĩnh vực điện máy nổi bật có Công ty Thế giới di động (700 cửa hàng), công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT (290 của hàng), Nguyễn Kim (18 cửa hàng); lĩnh vực thời trang phải kể đến Eva de Eva (47 cửa hàng), LaForce (25 cửa hàng),…
Ngành nào sẽ Hot tại thị trường Việt Nam?
Theo báo cáo của Euromonitor, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng từ 20-25% (tính đến năm 2017). Trong đó, ngành hàng thực phẩm chiếm 40% tổng giá trị nhượng quyền. Các lĩnh vực thời trang, ẩm thực, giáo dục vẫn sẽ là những ngành hàng dự kiến sẽ đem lại sự bùng nổ về mặt doanh số cho các doanh nghiệp Việt khi nhượng quyền.
Cùng với việc mua nhượng quyền quốc tế, doanh nghiệp Việt cũng đang xây dựng các mô hình kinh doanh hiệu quả nhờ kinh nghiệm lâu năm và sự am hiểu thị trường Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng hình thức nhượng quyền giữa các doanh nghiệp trong nước cũng trở thành một xu hướng khả thi nhờ sự cạnh tranh về vốn đầu tư cũng như cơ chế hỗ trợ của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu với đơn vị tham gia nhượng quyền.